Thị trường vàng, khi “thuốc” đã ngấm

0

Vì sao thị trường có được sự ổn định đó, cũng như chênh lệch giá so với thế giới được thu hẹp rõ rệt?

Trao đổi với VnEconomy, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn DOJI đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị TienPhong Bank (hai đơn vị đang tham gia thị trường vàng), đưa ra bốn nguyên nhân chính.

Một là, Ngân hàng Nhà nước đã có các biện pháp quyết liệt để quản lý cũng như xử lý các vấn liên quan đến việc tham gia thị trường vàng của các ngân hàng thương mại.
Hai là, qua đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã tạo cung khá đều đặn.

Ba là, một thời gian sau 30/6/2013 – khi các ngân hàng thực hiện tất toán trạng thái vàng xong, nhu cầu đã giảm bớt và giao dịch trầm lắng.

Và thứ tư là giá vàng quốc tế liên tục hồi phục nhanh, trong khi giá vàng trong nước không tăng tương ứng mà tương đối ổn định.

Khác biệt lớn

Trong bốn nguyên nhân trên, việc siết chặt quản lý sự tham gia của các ngân hàng thương mại, theo ông là có hợp lý không?

Điều đó là cần thiết. Có thể thấy mục tiêu đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước là giữ ổn định thị trường chứ không phải ổn định giá, mà tôi nghĩ ổn định là để tránh những cơn sốt, sóng giật lên giật xuống rồi đầu cơ, làm giá, rồi hàng nghìn người lũ lượt đi mua vào… Rồi khi ổn định trật tự được sự tham gia của các ngân hàng thương mại thì còn mục tiêu nữa là kéo giá trong nước về gần hơn giá thế giới.

Thị trường vàng, khi “thuốc” đã ngấm 1Với những giải pháp quyết liệt đó, các ngân hàng thương mại không thể đóng vai trò “tay to”, làm mưa làm gió trên thị trường như trước đây. Trật tự của thị trường đi vào khuôn khổ.Ông Đỗ Minh Phú

Trước đây, ngân hàng vừa có tiền, vừa vay được vàng của dân đem ra thị trường, dùng cả nguồn lực nội lẫn ngoại tệ để tham gia, thậm chí có thể chi phối được thị trường khi có các công cụ mạnh trong tay. Nên việc xử lý đồng bộ và quyết liệt ở đây là cần thiết.

Các biện pháp Ngân hàng Nhà nước đưa ra là ngặt nghèo với các ngân hàng thương mại. Cùng một lúc yêu cầu chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng, chuyển sang quan hệ mua – bán; rồi đến 30/6/2013 đã bóc toàn bộ vàng ra khỏi bảng cân đối của họ; họ không được để trạng thái vàng dương quá 2% vốn tự có, cũng như không được âm; không được sử dụng vàng giữ hộ dưới bất cứ hình thức nào.

Với những giải pháp quyết liệt đó, các ngân hàng thương mại không thể đóng vai trò “tay to”, làm mưa làm gió trên thị trường như trước đây. Trật tự của thị trường đi vào khuôn khổ. Chính sách đã ngấm vào thị trường, tạo ra một trật tự, một sự áp đặt đối với những đối tượng có thể khuynh đảo thị trường vàng, họ tập trung các hoạt động chính của mình hơn là đầu tư kinh doanh vàng.

Còn về nguyên nhân từ cung – cầu, thưa ông?

Về nguồn cung, Ngân hàng Nhà nước đưa ra khá đều. Đến phiên thứ 55 thì đã có 55,3 tấn được bán ra. Thực ra mới chỉ đưa ra phục vụ thị trường khoảng 1/3 số đó, còn lại chủ yếu là phục vụ cho tất toán. Nhưng thị trường bắt đầu ngấm, vì có hai nguồn cung, một là từ đấu thầu, hai là một bộ phận từ lượng vàng các ngân hàng tất toán trả cho dân đã quay lại thị trường.

Còn về nhu cầu, hiện nay thị trường giao dịch trầm lắng. Mọi năm vào thời điểm này thông thường là cao và nhộn nhip hơn nhiều, nhất là khi giá thế giới tăng lên. Giá quốc tế hồi phục nhanh, trong khi trong nước nhu cầu lại trầm lắng, các ngân hàng thương mại lại không sử dụng vàng như trước nữa để có thể đầu cơ. Chính vì vậy, mức độ tiêu thụ vàng trong nước giảm, giá không tăng theo được đà thế giới, vì tăng lên thì không bán được.

Về nguyên nhân từ giá quốc tế, chu kỳ hồi phục được xác định từ ngày 28/6 khi nó rơi xuống mức thấp nhất với khoảng 1.180 USD/oz, sau chưa đầy hai tháng đã lên trên 1.400 USD/oz, ước chừng đã tăng tới 19%. Đặc biệt trong 15 ngày gần đây nó đã tăng hơn 80 USD/oz, tương ứng với khoảng 6%. Trong khi đó giá trong nước chỉ tăng tử 37,9 triệu lên 38,2 triêu là khoảng 300 trăm ngàn, một mức tăng quá nhỏ.

Giá vàng quốc tế tăng cao và mạnh, trong khi giá vàng trong nước như đề cập ở trên lại không tăng theo, nên chênh lệch đã thu hẹp.

Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa dù không quá trực tiếp và nổi bật là tỷ giá USD/VND ổn định, không tác động đáng kể đến giá vàng quy đổi.

Ông nói chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã ngấm vào thị trường. Vậy ông đánh giá thế nào về sự tham gia của nhà quản lý thời gian qua?

Ban đầu Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời gây lo lắng. Đầu tiên là thu hẹp hơn 12.000 điểm giao dịch vàng miếng xuống chỉ còn khoảng 2.500 điểm trên cả nước. Tuy nhiên đến nay có thể nói là không có tình trạng bất cập hay xáo trộn về tổ chức giao dịch.

Thứ hai là sau khi Ngân hàng Nhà nước triển khai các biện pháp, tình trạng sốt vàng, hỗn loạn trên thị trường vàng là không có.

Còn chênh lệch giá thì đúng là lớn và kéo dài thời gian qua. Nhưng nhìn lại, trong thời gian chưa đầy 5 tháng kể từ khi tổ chức đấu thầu và đến nay bước đầu có thể xem đã thu hẹp được chênh lệch giá là một thành công, một bước tiến căn bản.

Quan trọng hơn, khi thị trường vàng từng bước được lập lại trật tự thì nó sẽ dần dần tự điều tiết, dần cân bằng. Thời gian gần đây có thể nói là cân bằng, cơ hội để cân bằng. Trước đây giá ổn định chỉ khoảng vài ba ngày, nhất là khi giá thế giới biến động và tăng nhanh như vậy, nhưng gần ba tuần qua trong nước tương đối ổn định. Đây là khác biệt lớn so với thời điểm trước.

Thị trường vàng có thể tự “thở”…

Chênh lệch giá so với thế giới đã thu hẹp. Theo ông, mức chênh lệch khoảng bao nhiêu là hợp lý?

Theo tôi, tại thời điểm này, ở một đất nước không sản xuất ra vàng mà chủ yếu là nhập khẩu, trong khi nhập khẩu hiện nay là Ngân hàng Nhà nước độc quyền, thì giá phụ thuộc nhiều vào yếu tố nhập khẩu. Mà hoạt động nhập khẩu để an toàn thì có lẽ Ngân hàng Nhà nước, kể cả các đơn vị kinh doanh vàng với tính toán của họ, chênh lệch khoảng 100 USD là một khoảng cách đảm bảo an toàn.

Bởi vì trong thực tế đã có những phiên giá vàng thế giới chạy tới 100 USD, nhất là khi nó có nhiều yếu tố bất ngờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa chắc đã kiểm soát được rủi ro. Trong khi thị trường mình không thể liên thông hoàn toàn. Theo đó, mức rủi ro có thể kiểm soát nằm trong khoảng 100 USD, tức khoảng 2 triệu đồng/lượng. Nhà quản lý cũng không bị áp lực và rủi ro với khoảng cách đó, đương nhiên họ có những công cụ để phòng ngừa rủi ro.

Với chênh lệch đó, thị trường vàng có thể tự “thở”, tăng lên hoặc giảm xuống theo nhịp độ của giá vàng thế giới, có thể tạm gọi là một sự cân bằng hợp lý về độ chênh lệch giá.
Thị trường vàng, khi “thuốc” đã ngấm 2Theo tôi, với tư cách là người tham gia thị trường và nhìn nhận thị trường, thì hiện nay mức chênh lệch khoảng 2 triệu đồng/lượng là chấp nhận được.Ông Đỗ Minh Phú

Chênh lệch đã thu hẹp nhưng nó lại có thể doãng ra, thưa ông. Vậy thì làm sao giữ được sự ổn định của mức chênh lệch nào đó được cho là hợp lý?

Theo tôi, với tư cách là người tham gia thị trường và nhìn nhận thị trường, thì hiện nay mức chênh lệch khoảng 2 triệu đồng/lượng là chấp nhận được.

Để giữ được nó mà không để bị doãng ra thì trước hết Ngân hàng Nhà nước phải cung vàng ra thị trường một cách đều đặn và hợp lý. Vì nguồn cung giờ chỉ trông chờ vào họ, do chỉ có họ nhập khẩu và sản xuất vàng miếng SJC. Với mức độ mỗi tuần khoảng 2 phiên, mỗi phiên khoảng 1 tấn là hợp lý, tất nhiên là có thể nâng lên hoặc giảm đi theo cung – cầu của thị trường tại các thời điểm.

Với mức độ đó thì mỗi tháng đưa ra khoảng 8 tấn vàng, từ nay đến cuối năm nhiều nhất khoảng 30 tấn và cả năm nay số lượng vàng thực đưa ra thị trường mới chỉ khoảng 50 tấn. So với năm 2012 như đánh giá của Hội đồng Vàng thế giới thì nhu cầu đã khoảng 77 tấn, những năm trước lên tới cả 100 tấn, thì mức độ cung đó đã giảm đi một nửa.

Nhu cầu của thị trường thì vẫn còn, nên Ngân hàng Nhà nước cần phải đưa ra nguồn cung đều đặn và hợp lý.

Thứ hai, để tránh chênh lệch giá lại doãng ra, về lâu dài thì nền kinh tế không quá xấu, kiềm chế được lạm phát, kinh tế phục hồi. Chứ còn lạm phát phi mã, kinh tế suy thoái thì người dân sẽ tìm đến sự trú ẩn ở vàng.

Thứ ba là giá quốc tế. Nếu nó tăng vọt thì sẽ kích thích người ta mua vàng với kỳ vọng giá còn lên nữa, nhu cầu trong nước sẽ tăng. Còn khi nó giảm sâu thì giá trong nước không thể giảm nhanh theo được, vì các tổ chức kinh doanh vàng không thể chấp nhận lỗ ngay trong khoảng thời gian ngắn, vì thị trường không liên thông.

Giả sử giá vàng quốc tế lao dốc, sụt rất nhanh như từng diễn ra thời gian qua, đương nhiên giá trong nước không thể đồng điệu cùng sự sụt giảm đó, và như vậy chênh lệch giá nó lại doãng ra. Như cuối tháng 6 vừa qua, trong 3 ngày giá thế giới giảm gần 200 USD, trong nước không thể nhanh chóng giảm ngay 4 triệu đồng được. Không dễ gì để mà giảm được tương đồng.

Nếu giá quốc tế vẫn biến động trong “nhịp kỹ thuật”, tức có lên có xuống cỡ khoảng một vài chục USD thì được, chứ sụt quá nhanh và mạnh thì chênh lệch giá sẽ doãng ra.

Giả sử như hiện nay, nếu giá vàng thế giới rơi mạnh, giá trong nước sụt về 35 triệu đồng/lượng thì sẽ kích thích nhiều người mua vì giá đã vào vùng “quá rẻ”, giá trong nước lại tăng lên do cầu tăng và chênh lệch lại càng lớn. Trong tình huống đó, Ngân hàng Nhà nước phải sẵn sàng tạo cung để can thiệp. Đó là một yêu cầu.

Theo 

Facebook Comments

Share.