Những bộ trang sức vàng cưới sẽ giúp cô dâu thêm đẹp trong ngày cưới.
Khi quyết định thuê trang sức cưới, các cô dâu nên bàn bạc, nói rõ với chú rể và gia đình nhà chồng để tránh trường hợp không hay xảy ra sau này. Với giá vàng tăng cao như hiện nay, không phải đôi uyên ương nào cũng có điều kiện kinh tế dư dả, bỏ ra từ 10 – 20 triệu đồng để sắm sửa một bộ trang sức cưới bằng vàng ta gồm kiềng, lắc tay, khuyên tai, nhẫn…
Ngoài ra, nhiều cô dâu không thường xuyên sử dụng trang sức cầu kỳ trong cuộc sống hàng ngày nên không muốn mua vì sẽ bỏ phí bộ trang sức đắt tiền, không dùng đến. Vì vậy phương án thuê trang sức chỉ đeo một lần trong ngày cưới trở nên phổ biến và hợp lý hơn. Mỗi bộ trang sức bao gồm vòng cổ hoặc kiềng, lắc tay, bông tai có giá thuê từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng cho khoảng 3 ngày, tùy chất liệu và kiểu dáng. Một chủ tiệm vàng tại Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết, các cô dâu chú rể phải đặt cọc số tiền bằng đúng giá trị của bộ sản phẩm đó.
Trước tiên, các cô dâu cần chú ý khi chọn thuê trang sức cưới. Khi đã tìm được bộ nữ trang ưng ý và quyết định thuê, bạn nên xem xét kỹ giấy tờ thuê hàng, chế độ bồi thường nếu xảy ra hỏng hóc. Ngoài ra, bạn cũng cần nhân viên cửa hàng kiểm tra từng mẫu sản phẩm để xem có gãy, đứt, trầy xước không. Sau khi đã kiểm hàng, đại diện cửa hàng phải ký để xác nhận tình trạng hàng để tránh những bất lợi khi đôi uyên ương trả hàng.
Các cô dâu Việt Nam thường ưa chuộng những bộ trang sức vàng ta để đeo trong ngày cưới.
Ngoài lưu ý khi chọn nữ trang và làm thủ tục thuê, các cô dâu cần chú ý tới phản ứng của gia đình nhà trai với việc này. Nhiều trường hợp cô dâu chú rể không trao đổi với nhau ngay từ đầu, dẫn đến những tình huống khó xử, có thể ảnh hưởng đến tình cảm của hai người.
Một cô dâu ở Hải Phòng chia sẻ, trước đám cưới, gia đình bạn quyết định thuê cho con gái một bộ trang sức cưới sang trọng, vừa để cô dâu diện trong ngày cưới, vừa khiến cả gia đình “đẹp mặt” với nhà trai. Sau khi đám cưới kết thúc, cô dâu phải trả lại bộ trang sức nhưng gia đình nhà chồng lại cho rằng, nhà cô có nhiều của cải nên cô dâu cần đóng góp một số tiền cho bố mẹ chồng để lo lắng cuộc sống sau này cho hai người. Đây là trường hợp không hay do việc thuê trang sức đem tới và cũng không không phải hiếm gặp.
Nếu gặp tình huống khó xử, cô dâu nên cùng người bạn đời khéo léo giải thích cho cha mẹ. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là cô dâu nên bàn bạc trước với chú rể về việc thuê nữ trang trước khi đám cưới diễn ra, để hạn chế tối đa các trường hợp không hay xảy đến. Đối với gia đình nhà chồng, cô dâu có thể nhờ người bạn đời thông báo vấn đề này hoặc để gia đình hai nhà nói chuyện. Việc sử dụng dịch vụ thuê trang sức không phải là điều “mất mặt” mà mục đích chủ yếu là để cô dâu thêm lộng lẫy và tăng thêm sự vui vẻ trong đám cưới. Vì vậy, việc làm của đôi uyên ương nên được cả hai nhà ủng hộ, tạo ra không khí hạnh phúc, vui vẻ cho tất cả mọi người.