Mặc cho thị trường thế giới tăng nhẹ gần một USD khi chốt phiên Mỹ tối qua, lên 1.320 USD, Tập đoàn Doji vẫn điều chỉnh giảm 10.000-20.000 đồng ngay khi mở cửa ngày hôm nay. Theo đó, đơn vị này báo giá vàng miếng SJC 36,75-36,80 triệu đồng. Biên độ mua bán co hẹp còn 50.000 đồng.
Giá vàng giảm cuối tuần.
Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận vẫn còn niêm yết mức giá cuối ngày hôm qua, quanh 36,76-36,83 triệu đồng. Với mức giá này, nếu so với giá vàng quốc tế chốt phiên cuối tuần 1.320 USD (tương đương 33,94 triệu đồng mỗi lượng tiền Việt) thì vẫn còn đắt hơn khoảng 2,8 triệu đồng.
Sự đi xuống liên tục của giá kim loại quý trong nước được các chuyên gia phân tích chủ yếu do ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Nếu so với mức giá hôm thứ hai đầu tuần, mỗi lượng vàng miếng hiện nay rẻ hơn 130.000 đồng. Trên thế giới, tính chung tuần qua, mỗi ounce cũng mất khoảng 6 USD, tương đương 154.000 đồng mỗi lượng tiền Việt.
Chứng kiến giá vàng trong nước ngày một rẻ, nhu cầu mua vàng vào đã xuất hiện ở nhiều khách hàng lẻ. Theo đó, tại PNJ, tỷ lệ khách bán ra thường chỉ bằng một nửa mua vào.
Trên thị trường ngoại tệ, giá USD của các ngân hàng tiếp tục giảm sáng nay. ACB giảm thêm 10 đồng so hôm qua, xuống 21.250-21.320 đồng. Vietcombank có giá bán bằng ACB, mua vào cao hơn 20 đồng. Các ngân hàng khác có giá tương tự.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện một số doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ rồi chuyển hóa thành tiền đồng để hưởng chênh lệch lãi suất. Các quan chức Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đây là việc hết sức bình thường khi chênh lệch lãi suất cao, tỷ giá ổn định và nguồn ngoại tệ dồi dào. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo, việc tăng vay đôla bán ra lấy tiền đồng kinh doanh khiến nguồn cung ngoại tệ trên thị trường tăng tạm thời và kéo tỷ giá xuống dưới điểm cân bằng cung cầu. Tuy nhiên, biến động tỷ giá có thể xảy ra khi đáo hạn hợp đồng, doanh nghiệp phải mua đôla để trả nợ ngân hàng.
Lệ Chi – Vnexpress.net