Chốt phiên giao dịch hôm qua tại New York, giá vàng giao ngay tăng hơn 4 USD lên 1.280. Thị trường tiếp tục nhích lên khi châu Á mở cửa sáng nay, lúc 8h (Hà Nội) đạt 1.281 USD một ounce, tương đương 32,8 triệu đồng một lượng (chưa tính thuế, phí, gia công). Hôm qua, thị trường trong nước đóng cửa tại 36,38-36,5 triệu đồng mỗi lượng.
Giá các hợp đồng giao tháng 12 hôm qua tăng 6,3 USD lên 1.285 USD một ounce. Thị trường luôn theo sát diễn biến của USD, do đôla mạnh sẽ gây áp lực lên tất cả hàng hóa niêm yết bằng đồng tiền này. "Đà tăng của USD đã bắt đầu chững lại. Việc này phần nào hỗ trợ thị trường vàng", Stephen Platt – nhà phân tích tại hãng dịch vụ tài chính Archer nhận định.
Giá vàng thế giới hôm qua tăng nhẹ do USD chững lại.
Giá tăng còn do lực mua vào đóng trạng thái bán khống và căng thẳng địa chính trị tại Nga, Ukraine cũng như bạo lực ở Trung Đông. Vàng thường được coi là công cụ bảo hiểm cho rủi ro tài chính và chính trị.
Đà tăng sau đó bị ghìm lại khi chứng khoán Mỹ tăng điểm trước kỳ vọng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tung kích thích và số liệu tích cực về kinh tế Mỹ. Chỉ số S&P 500 đã lập kỷ lục mới trên 2.000 điểm.
Chỉ số đo niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã tăng vượt dự đoán trong tháng 8, lên cao nhất kể từ tháng 10/2007. Trong khi đó, số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền cũng tăng kỷ lục trong tháng 7.
Số liệu hôm qua cũng cho thấy dự trữ vàng của Nga đã tăng 4 tháng liên tục trong tháng 7. Tuy nhiên, nhu cầu vật chất từ các hãng trang sức châu Á vừa bật lên nhẹ tuần trước do giá giảm, thì hôm qua lại tiếp tục yếu đi. Dự trữ tại SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, cũng giảm 0,4% xuống 797 tấn hôm thứ Hai.
Trên thị trường dầu thô, dầu WTI giao tháng 10 của Mỹ hôm qua tăng nhẹ lên 93,86 USD mỗi thùng trên sàn NYMEX. Các số liệu tích cực về nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lấn át lo ngại về tăng trưởng chậm tại các nước tiêu thụ dầu và nguồn cung toàn cầu dư thừa. Trong khi đó, dầu Brent lại xuống 102,5 USD một thùng trên sàn ICE.
Cả hai loại dầu này đang hướng đến tháng giảm thứ 2 liên tiếp, do tăng trưởng chậm tại Trung Quốc và châu Âu kiềm chế nhu cầu dầu, lấn át ảnh hưởng từ căng thẳng chính trị trên thế giới.
Hà Thu – Vnexpress.net