Sản xuất và chế tác trang sức là quá trình phức tạp, bắt đầu từ việc lên ý tưởng cho tới thiết kế với thiết bị 3D và biến những bản thiết kế thành sản phẩm hoàn thiện thông qua các bước tạo sáp, đúc và chế tác sản phẩm. Các công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và niềm đam mê. Những người thợ kim hoàn phải ngồi hàng giờ để gọt giũa sao cho bề mặt trang sức láng mịn, các chi tiết hiện ra sắc nét và các bộ phận cấu thành phải đạt được độ chính xác. Những công đoạn này yêu cầu người thợ phải có đôi tay linh hoạt, khéo léo và khả năng thẩm mỹ cao cũng như niềm yêu thích và say mê với nghề.

Chi phí sản xuất sản phẩm

Cụm từ “công chế tác” vẫn được nhiều khách hàng sử dụng khi mua trang sức. Tuy nhiên, nó chỉ thích hợp với lao động thủ công không có sự can thiệp của công nghệ. Còn với những doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, đó sẽ là chi phí sản xuất.

Để tạo ra trang sức, các doanh nghiệp không chỉ cần sở hữu những người thợ lành nghề mà còn phải đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại. Quy trình sản xuất trang sức cũng công phu như nhiều ngành nghề khác.

Máy đúc Platin trị giá 1,5 tỷ đồng phục vụ cho quá trình sản xuất và chế tác trang sức bạch kim.

Một số công đoạn như thiết kế 3D, đúc hay tạo ra chi tiết của sản phẩm… đều cần có sự can thiệp của máy móc để tăng độ chính xác và tiết kiệm thời gian. Những sản phẩm càng nhỏ, càng phức tạp càng cần phải ứng dụng công nghệ hiện đại.

Chênh lệch giá sản phẩm

Không phải khách hàng nào cũng hiểu tại sao có sự chênh lệch giá trang sức giữa các cửa hàng khác nhau. Các loại vàng trang sức (10K, 14K, 18K…) đều là hợp kim của vàng 9999 và các kim loại khác. Sự khác biệt về giá trước hết đến từ giá nguyên liệu. Những hợp kim nhập khẩu từ các quốc gia như Italy, Pháp, Hàn Quốc… đều đạt chuẩn chất lượng quốc tế, không lẫn tạp chất và đủ hàm lượng vàng được quy định sẽ có mức giá cao hơn những loại vàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài ra, những doanh nghiệp chỉ sử dụng tay nghề thủ công cũng sẽ không mất thêm khoản chi phí đầu tư trang thiết bị và máy móc hiện tại nên giá của sản phẩm cũng thấp hơn. Tuy vậy, những sản phẩm đó lại có một số hạn chế như tỷ lệ các chi tiết không chính xác tuyệt đối, độ bóng không đồng đều, thời gian chế tác dài hơn… Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp tùy vào quy mô của mình còn phải vận hành hệ thống nhân viên với số lượng lớn và chi trả cho các khâu PR, quảng cáo, marketing…

Giá trị giảm khi thu mua lại

Kim hoàn là một trong số ít những ngành có chính sách thu đổi sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm này chỉ thu lại được từ 70 đến 80% giá trị gốc.

Những sản phẩm được thu đổi thông thường không còn thịnh hành, thậm chí bị xước hoặc gãy hỏng. Để chúng có một diện mạo mới và quay trở lại được quầy trưng bày, các doanh nghiệp phải thực hiện lại tất cả các công đoạn chế tác, thậm chí phải hủy lấy nguyên liệu để tạo ra một sản phẩm mới. 20-30% giá trị hao hụt mà khách hàng phải chịu khi bán lại sản phẩm chính là chi phí sản xuất và chi phí quản lý mà doanh nghiệp phải tiêu tốn cho sản phẩm đó.

Ngoài ra, mức giá bán lại sản phẩm vàng trang sức luôn thấp hơn vàng 9999 bởi đây là hợp kim chứa các kim loại khác. Doanh nghiệp không thể thu lại 100% nguyên liệu vì cần loại bỏ những kim loại đó để đảm bảo chất lượng, tạo ra sản phẩm mới.

Thiết kế 3D trên máy tính.

Chi phí phải thấp trong khi sản phẩm theo đú​ng ý thích riêng

Máy thiết kế và tạo sáp 3D ra đời đã cho phép các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu tạo ra những mẫu trang sức độc đáo, khác biệt theo ý thích riêng của khách hàng. Để thực hiện được việc này, các doanh nghiệp phải đầu tư chi phí lớn cho hệ thống 3D và các nhà thiết kế với ít nhất 5 năm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc sản xuất riêng lẻ dẫn tới chi phí và thời gian sản xuất, chế tác cũng tăng theo. Vì vậy, hàng thiết kế luôn có giá cao hơn các sản phẩm đại trà thông thường. Đây là một trong những điều khó khăn của các doanh nghiệp khi khách hàng luôn đòi hỏi một món trang sức vừa bắt kịp xu hướng, vừa theo sở thích riêng nhưng phải có mức giá phải phải chăng.

 

(Theo VNexpress)
Facebook Comments
0.0
00