Đầu ngày hôm nay, giá thu mua vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn lên 36,50-36,80 triệu đồng, tăng 400.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Từ ngày 8/5, giá liên tục tăng, mạnh nhất là ngày 14/5 và hiện lên mức cao nhất gần 3 tháng qua. Đến 9h, doanh nghiệp này hạ 200.000 đồng chiều mua và 100.000 đồng chiều bán, xuống quanh 36,30-36,70 triệu đồng.
Cùng thời điểm, giá niêm yết vàng SJC của Tập đoàn DOJI thấp hơn của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn 100.000 đồng, dao động quanh 36,20-36,60 triệu đồng. Mức giá này cũng đã được doanh nghiệp điều chỉnh nhiều lần kể từ lúc mở cửa.
Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) lúc 8h40 vẫn đang niêm yết với giá khá cao 36,40-36,80 triệu đồng. Biên độ mua bán nới rộng 400.000 đồng.
Giá vàng biến động mạnh đầu ngày.
Sự biến động mạnh của giá vàng trong nước sáng nay một phần do sự chi phối từ diễn biến thế giới. Chốt phiên 14/5 tại Mỹ, mỗi ounce lên mức 1.305,7 USD, tăng gần 13 USD do căng thẳng tại Ukraine leo thang. Sáng nay, kim loại quý quốc tế tạm thời thoái lui về quanh 1.304 USD. Vàng SJC tiếp tục nới rộng chênh lệch với thế giới lên trên 3,5 triệu đồng, cao hơn hôm qua khoảng 600.000 đồng.
Những ngày gần đây, các doanh nghiệp tỏ ra thận trọng hơn trong việc giao dịch với khách. Thay vì để khoảng cách mua và bán vài chục nghìn đồng thì nay nới rộng lên hàng trăm nghìn đồng.
Diễn biến giao dịch trên thị trường ngày hôm qua và sáng nay cũng liên tục thay đổi. Có lúc người giao dịch kéo nhau đi mua, khi lại bán mạnh ra lúc giá tăng cao.
Các chuyên gia cho rằng, việc giá vàng trong nước tăng mạnh và diễn biến phức tạp một phần do chi phối bởi giá thế giới, phần khác là tác động cộng hưởng bởi tâm lý lo ngại căng thẳng vụ Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển Việt Nam.
"Ngân hàng Nhà nước nên có động thái trấn an dư luận để tạo tâm lý ổn định, tránh tình trạng hỗn loạn và phá tan những cố gắng đã triển khai trước của nhà điều hành", ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty vàng Việt Nam nói.
Lệ Chi – Vnexpress.net