8/7, một ngày trước phiên đấu thầu quan trọng giúp các ngân hàng mua đủ số vàng để trả cho các hợp đồng huy động trước đây, giá trong nước đắt hơn thế giới 6,6 triệu đồng mỗi lượng. Sau phiên 9/7, khoảng chênh này co hẹp nhanh chóng, xuống 5,8 triệu và đến 13/7 chỉ còn 4,5 triệu đồng mỗi lượng.
Diễn biến này được ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty vàng Việt Nam (VGB) cho là điều tất yếu xảy ra, bởi lực cầu lớn đã được cắt bỏ khi các ngân hàng tất toán hoàn toàn trạng thái huy động. Vào thời điểm bắt đầu yêu cầu các ngân hàng đóng trạng thái, số vàng cần có để trả nợ cho dân lên đến cả trăm tấn, ngang ngửa nhu cầu nhập khẩu vàng trong cả năm khi thị trường còn sôi động. Một khi các ngân hàng đã đóng trạng thái, và không còn được huy động, cho vay bằng vàng, áp lực về cầu trên thị trường giảm đáng kể.
Ông Hải cũng dự báo, chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới có thể sẽ được rút ngắn xuống còn khoảng 2-3 triệu đồng mỗi lượng trong thời gian không xa với điều kiện nguồn cung được duy trì và đáp ứng đủ các nhu cầu phát sinh thị trường.
Một lãnh đạo doanh nghiệp vàng lớn tại TP HCM nhìn nhận, bên cạnh lực cầu từ nhà băng đã giảm, người dân hiện nay cũng chưa muốn "động thủ" vì hy vọng giá sẽ hạ tiếp. Điều này được thể hiện qua tình hình giao dịch trầm lắng một cách bất thường trong những ngày gần đây. Thay vì con số giao dịch hàng nghìn lượng mỗi ngày như trước, các doanh nghiệp cho biết mua bán trong ngày chỉ dừng lại ở mức đôi ba trăm lượng. Ông cho rằng, lực mua giảm mạnh là cơ hội cho doanh nghiệp giảm giá trong nước và thu hẹp với thế giới theo quy luật cung cầu.
|
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới qua các mốc thời gian. Đơn vị tính: triệu đồng. |
Một số chuyên gia chưa thực sự lạc quan với diễn biến những ngày qua bởi theo họ đà giảm này chưa bền vững. Cuối năm ngoái, khi Quốc hội ra nghị quyết yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kéo sát giá trong nước về với thế giới, khoảng chênh này đang ở mức 3 triệu đồng mỗi lượng. Đến 28/3, ngày đầu tiên tổ chức đấu thầu vàng miếng, giá trong nước chỉ còn đắt hơn thế giới chừng 2,8 triệu đồng, như một minh chứng cho tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước rằng đấu thầu vàng để tăng cung và thu hẹp chênh lệch giá.
Sau niềm vui ngắn ngủi ấy, chênh lệch giá lại dãn ra ngày một lớn hơn, từ dưới 3 triệu đồng mỗi lượng, leo lên đến 6 triệu đồng. Cao điểm vào giữa tháng tư, khi giá thế giới giảm mạnh nhất 3 thập kỷ, khoảng cách giữa hai thị trường lên đến hơn 6,7 triệu đồng được cho là gây thiệt thòi cho những người có nhu cầu mua.
Những ngày đầu tháng 7, khi Ngân hàng Nhà nước cùng một lúc tăng tỷ giá, hạ lãi suất tiền đồng và tạo sức ép buộc các ngân hàng mua nốt số vàng còn nợ để đóng trạng thái, giá trong nước lại được dịp bỏ xa thế giới tới 6,6 triệu đồng mỗi lượng.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cảnh báo hiện tượng người dân sẽ tăng mua vàng. Theo ông, quyết định tăng tỷ giá, hạ lãi suất huy động VND nếu không điều tiết cẩn trọng có thể là nguyên nhân khiến lạm phát quay trở lại, nhất là vào cuối năm khi lượng tiền bơm ra nhiều. Vàng thường là lựa chọn bảo toàn tài sản mỗi khi đồng tiền mất giá và một khi nhu cầu mua tăng lên, thị trường sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chênh lệch khó thu hẹp.
Trên thực tế, thu hẹp chênh lệch giá vàng không còn là mục tiêu hàng đầu cần giải quyết trong ngắn hạn của nhà điều hành. Khi bắt đầu đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước cho biết một trong những mục tiêu là tăng cung để kéo sát giá. Ít ngày sau đó, cơ quan này tuyên bố ổn định thị trường mới là mục tiêu quan trọng.
Thành quả lớn nhất sau khi bán ra hơn 40 tấn từ dự trữ quốc gia, theo Ngân hàng Nhà nước là loại hoàn toàn quan hệ vay mượn vàng ra khỏi nghiệp vụ của các ngân hàng, qua đó loại bớt rủi ro cũng như các yếu tố đầu cơ tiềm tàng ra khỏi thị trường ngân hàng. Cùng với việc thiết lập hành lang pháp lý, đảm bảo cân đối cung cầu, mục tiêu quan trọng mà cơ quan này hướng tới đó là ổn định giá và thị trường vàng trong nước trước những biến động bất thường của thế giới, ngăn tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cảnh báo với những dấu hiệu của thị trường hiện nay, có vẻ như việc các ngân hàng tất toán xong trạng thái chưa phải hết chuyện, nhu cầu trên thị trường vẫn là ẩn số.
"Biến động của giá vàng cần được xem xét trong bối cảnh ngân hàng đang thừa tiền đồng mà không cho vay được. Rất có thể họ sẽ dồn vào mua vàng và tìm cách nào đó kinh doanh khi không còn được kiếm lời từ hoạt động huy động và cho vay", ông Doanh nêu.
Ông cũng nhắc lại tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về khoảng chênh 400.000 đồng một lượng để khẳng định nhiệm vụ kéo sát giá trong nước về với thế giới còn rất nặng nề. So với thời điểm Quốc hội ra nghị quyết, độ chênh lệch hiện nay vẫn gần 2 triệu đồng mỗi lượng.
Lệ Chi – Thanh Lan (Vnexpress.net)